Tìm hiểu về UX Design – Phần I

UX là gì?

Từ User Experience (UX) xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách nổi tiếng “The Design of Everyday Things” của Don Norman. User Experience, Trải Nghiệm Người Dùng là cụm từ chung để chỉ những hành động, cảm xúc, và phản ứng của một người khi tương tác với một sản phẩm, dịch vụ hay không gian nào đó.
Trải nghiệm: hãy nghĩ về lần gần đây nhất bạn đến rạp xem film. Trong suốt 2h-3h của bộ film, bạn bị cuốn hút vào màn ảnh, vào câu chuyện và nhất là những cảm xúc vui buồn của các nhân vật chính. Khi nhân vật chính nghe một tiếng động lạ trong màn đêm và mở cửa để kiểm tra, bạn trở nên hồi hộp đến mức có thể nghe được nhịp tim của mình. Khi nhân vật chính khóc, bạn cũng cảm thấy buồn và đôi khi muốn khóc theo. Khi một nhân vật lém lỉnh làm trò vui, bạn bật cười. Khi bộ film kết thúc, bạn cảm thấy mình vừa lấy được một cái gì đấy: Bạn nên trân trọng cuộc sống này hơn? Bạn nên đối xử tốt hơn với gia đình và những người mình yêu quý? Hay đơn giản bạn cảm thấy sảng khoái tinh thần.
Dù cảm xúc của bạn là gì đi nữa, bạn vừa trải nghiệm một bộ film.
Thế nhưng, UX, hay Trải Nghiệm Người Dùng, không chỉ dừng lại ở nội dung bộ film bạn vừa xem. Chiếc ghế bạn ngồi có thoải mái hay không? Âm thanh quá to, quá nhỏ, hay vừa đủ? Phòng chiếu film có đủ tối, hay vẫn còn ánh sáng? Những người xung quanh yên lặng, tập trung hay ồn ào, làm ảnh hưởng đến việc bạn xem film? Lại nhìn rộng thêm nữa, UX không chỉ bắt đầu khi bạn bước vào phòng chiếu film. Khi bạn vừa bước vào rạp, bạn được chào đón bởi đội ngũ nhân viên: người thì mở cửa, người thì giúp bạn đến quầy mua vé. Đập vào mắt bạn là banner, poster và các nhân vật của các bộ film đang chiếu. Phía trên quầy bán vé là tấm bảng lớn với tên film và giờ chiếu. Ánh sáng màu vàng làm bạn cảm thấy ấm áp và được chào đón.
Tất cả mọi thứ đều tạo nên một hệ sinh thái trải nghiệm người dùng.

UX có quan trọng không?

Bạn có thể đang nghĩ rằng những yếu tố này không có gì đáng kể. Khi vào rạp, bạn không bao giờ để ý xem ánh sáng màu trắng hay màu vàng, hay nhân viên mặc đồng phục màu gì. Quầy phục vụ ở đâu cũng không quan trọng. Tắt đèn khi film đang chiếu là chuyện đương nhiên. Bạn chưa bao giờ gặp vấn đề về chuyện người ngồi trước che mất tầm nhìn.
Một câu nói thường được biết đến trong ngành UX là: “UX tốt là khi người dùng không nghĩ về nó”. Hãy so sánh việc đi xem film ở rạp với việc xem film ở nhà trên TV hoặc máy tính. Bộ film bắt đầu, và một vài người các bạn cùng tụm lại trước màn hình khá nhỏ. 5’ sau khi bộ film bắt đầu, một người bắt đầu nhắc là cần phải tắt đèn. Một người khác than phiền là âm thanh quá nhỏ, mặc dù đã mở ở volume tối đa. 10’ sau nữa, một người cảm thấy đói, và chạy xuống nhà bếp tìm cái gì đó để ăn. Nửa bộ film, bỗng nhiên một chiếc điện thoại reng. Một lát sau nữa, bạn không nghe được người trong film đang nói gì vì ở phòng bên cạnh, tiếng người nhà nói chuyện đang lấn át. Trước khi bộ film bắt đầu và khi bộ film đã kết thúc, bạn không có được cái cảm giác hào hứng “mình đang đi xem film” như khi đến rạp.Khi bạn đến rạp, tất cả những vấn đề đó đều biến mất, và bạn chỉ cần cảm nhận – cảm nhận bộ film, cảm nhận không khí hào hứng ở rạp và cảm nhận tình cảm nồng ấm của người bạn đi cùng.
UX và UX Design không chỉ giới hạn ở việc chiếu film, hay như hiện nay là các website, ứng dụng, các sản phẩm công nghệ mà nó tồn tại và áp dụng được vào hầu hết tất cả lĩnh vực của cuộc sống: shopping ở siêu thị, lò vi sóng hay TV, tour du lịch, dịch vụ ngân hàng,…

Thế nào là một trải nghiệm tốt?

Một trải nghiệm người dùng được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, nhưng cuối cùng để đánh giá được trải nghiệm đó có tốt hay không thì phải dựa vào hai tiêu chí:
  1) Người dùng có thể làm việc mình muốn một cách hiệu quả.
Những việc người dùng phải làm (có thể là mua hàng, đăng ký, đăng thông tin, tìm thông tin, etc.) có rõ ràng không? Những việc đó thường tốn bao nhiêu thời gian? Tỉ lệ bao nhiêu người hoàn thành việc đó? Cần qua bao nhiêu tap hay click? Những chức năng mới có dễ hiểu và dễ ghi nhớ không?
2) Người dùng cảm thấy hài lòng về trải nghiệm.
Hiệu quả chỉ là một phần của bức tranh về trải nghiệm. Ngoài hiệu quả và usability, mọi trải nghiệm đều tạo nên một cảm xúc gì đó cho người dùng. Những cảm xúc tốt có thể là vui khi có thể hoàn thành công việc nhanh chóng hoặc tự tin vì những người dùng khác thích profile hay sản phẩm của mình. Những cảm xúc không tốt có thể là sự bực mình vì không biết phải click vào gì, đi đâu tiếp theo hay sự thờ ơ vì không có tiến độ hay thay đổi nào.

Thiết kế UX trong công nghệ thông tin

Các trang web và các ứng dụng… đã trở nên phức tạp hơn cùng với sự phát triển công nghệ và các phương pháp luận mới. Những môi trường truyền thông một chiều đã phát triển thành những trải nghiệm rất phong phú và với tính tương tác cao. Nhưng bất kể có nhiều thay đổi trong quá trình xây dựng, thành công của một trang web vẫn chỉ xoay quanh một điều: làm thế nào người dùng cảm nhận được nó tốt nhất. “Trang web này cung cấp cho tôi giá trị hay không? Nó dễ sử dụng hay không? Có cảm thấy thoải mái khi sử dụng hay không?”. Đây là những câu hỏi xuất hiện trong tâm trí của khách hàng khi họ tương tác với sản phẩm của chúng ta, và đó là cơ sở quyết định xem một người có trở thành người sử dụng thường xuyên của trang web, ứng dụng… Thiết kế trải nghiệm người dùng cố gắng để làm cho người dùng trả lời “Có” cho tất cả những câu hỏi trên.
Tuy khái niệm về trải nghiệm người dùng đã luôn luôn tồn tại ở rất nhiều nơi, khi UX và UX Design trở thành một lĩnh vực chính thức trong công nghệ thông tin, cụm từ này dùng để chỉ một quá trình và cách tư duy để nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Quá trình này bao gồm những bước lớn:
– Nghiên cứu để hiểu được người dùng.
– Đưa ra ý tưởng và giải pháp có thể thương mại hoá để giải quyết vấn đề của người dùng.
– Thiết kế giải pháp này.
– Đưa giải pháp này vào thực tế rồi quan sát đo lường độ hiệu quả.
– Cải thiện sản phẩm dựa trên sự quan sát và đo lường đó.
Share on Google Plus

About Hà Tuấn Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét